Sự nghiệp Ngạch_Diệc_Đô

Chinh chiến các bộ

Khi ấy, các tộc nhân Nữ Chân khiếp sợ nhà Minh, vài lần phái người ám sát Nỗ Nhĩ Cáp Xích để lấy công lĩnh thưởng, những lần ấy Ngạch Diệc Đô đều thành công bảo vệ, khiến ông trở thành người bạn đáng tin cậy nhất của Nỗ Nhĩ Cáp Xích[4][5]. Trong những năm chinh chiến dưới trướng Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Ngạch Diệc Đô đã giành được nhiều thắng lợi, công chiến các thành Ni Kham Ngoại Lan, Đồ Luân, Sắc Khắc Tế; ông kiêu quả thiện chiến, làm gương binh sĩ, có thể nói thời gian đầu Nỗ Nhĩ Cáp Xích lập nghiệp thì Ngạch Diệc Đô không thể thiếu bóng được[6].

Năm Vạn Lịch thứ 15 (1587), Ngạch Diệc Đô vang danh thiên hạ trong trận công thành Ba Nhĩ Đạt (巴尔达). Khi ấy, dù bị mũi tên bắn bị thương, Ngạch Diệc Đô cũng không chùn bước, tiến tới áp sát mà công hạ được thành. Nỗ Nhĩ Cáp Xích do đó phong danh hiệu [Ba đồ lỗ; 巴图鲁][7] cho ông[8]. Không lâu sau, ông tham gia chiến dịch đánh Tát Khắc Sát (萨克察), suất quân liền hạ được thành Khắc Ni Mã Lan (克尼玛兰), Chương Gia (章家) và trại Sách Nhĩ Hô (索尔瑚). Người Gia Mộc Hô là Bối Huy Ba Nhan (贝挥巴颜) có hành động phản bội Cáp Đạt, Ngạch Diệc Đô cũng liền anh dũng truy sát cả nhà 5 người[9].

Năm thứ 21 (1593), Diệp Hách dẫn Ô Lạp, Cáp Đạt, Huy Phát cùng 5 bộ khác liên thủ xâm phạm Kiến Châu Nữ Chân. Khi liên quan tấn công thành Hắc Tế Cách (黑济格), Nỗ Nhĩ Cáp Xích suất quân từ Cổ Lặc Sơn, tự mình dùng hỏa công chống đỡ, lại mệnh Ngạch Diệc Đô suất 100 kỵ binh khiêu chiến. Với sự kiêu dũng, Ngạch Diệc Đô đẩy lui được quân, bắt sống Diệp Hách Bối lặc Bố Trại. Không lâu sau đó, thủ lĩnh của Nạp Ân Lộ là Sưu Ổn Tắc Khắc Thập (搜稳塞克什) tựu quân của 7 trại ở núi Phật Đa Hòa, Ngạch Diệc Đô cùng Cát CáiAn Phí Dương Cổ công phá Phật Đa Hòa, chém chết được Sưu Ổn Tắc Khắc Thập[10].

Năm thứ 27 (1599), Ngạch Diệc Đô tùy giá Nỗ Nhĩ Cáp Xích bình định Cáp Đạt.

Năm thứ 35 (1607), Ngạch Diệc Đô tùy Bối lặc Ba Nhã Lạt chính phạt các bộ Đông Hải Nữ Chân. Cùng năm ấy, Ngạch Diệc Đô cũng tùy quân tiêu diệt Huy Phát[11]. Liên tục những năm sau, Ngạch Diệc Đô tích cực công phá và chiêu hàng các bộ tộc, quy phụ Kiến Châu Nữ Chân khi này đã có rất nhiều thế lực, tất cả đều có công lao của Ngạch Diệc Đô[12].

Công thần Hậu Kim

Năm đầu Thiên Mệnh (1616), Nỗ Nhĩ Cáp Xích xưng Đại hãn, thành lập nhà nước Hậu Kim. Ngạch Diệc Đô đứng đầu Ngũ đại thần, gồm Ngạch Diệc Đô, Phí Anh Đông, An Phí Dương Cổ, Hà Hòa LễHỗ Nhĩ Hán. Cả 5 đều thuộc hàng ngũ thảo luận chính sự[13], ông thường được giao chỉ huy đội quân Tương Hoàng kỳ của Hậu Kim[14].

Năm thứ 2 (1617), Ngạch Diệc Đô và An Phí Dương Cổ tấn công nhà Minh, cướp lấy các trại lũy Mã Căn Đơn, Hoa Báo Xung và Tam Sá Nhi.

Năm thứ 4 (1619), Liêu Đông Kinh lược của nhà Minh là Dương Hạo suất quân phạm vào biên giới Hậu Kim, Ngạch Diệc Đô và Đại Bối lặc Đại Thiện cùng các Bối lặc khác của Tứ đại Bối lặc chống trả, quân Minh đến được Thái Lan cương[15]. Khi ấy, Đại Thiện chủ trương đợi Nỗ Nhĩ Cáp Xích đến, do vậy đóng trại chờ đợi, nhưng Tứ Bối lặc Hoàng Thái Cực khuyên nên tiến công, điều này được Ngạch Diệc Đô đồng tình[16]. Sau đó, quân Hậu Kim tiến đến thành Giới Phiên (nay là Tây Bắc Tân Tân, tỉnh Liêu Ninh), quân Nỗ Nhĩ Cáp Xích dẫn đến hội quân, công phá quân Minh, còn liên tục công phá các bộ tộc theo nhà Minh[17].

Có công lao như vậy, Ngạch Diệc Đô vẫn rất công bằng với quân sĩ dưới trướng mình, ai có công cũng đề bạt và khen thưởng đúng đắn, không hề tự kiêu ngạo tranh công. Nỗ Nhĩ Cáp Xích xem trọng Ngạch Diệc Đô, mỗi lần chiến công đều ban thưởng, còn đem tộc muội gả cho ông và con trai ông[18].

Con trai thứ của Ngạch Diệc Đô là Đạt Khải, từ nhỏ anh dũng mưu lược, rất được Nỗ Nhĩ Cáp Xích quý trọng, lại gả Hoàng nữ thứ năm cho, do đó có vô lễ với các hoàng tử khác. Ngạch Diệc Đô cực kỳ lo lắng, sai người trói Đạt Khải mà dùng chăn dìm cho ngạt thở chết, còn nói rõ với các con mình:"Thiên hạ sao có chuyện cha giết con?! Nhưng Đạt Khải coi thường vương pháp, không biết đạo quân thần, dung túng nó tất sẽ hại đến quốc gia và cả nhà!", sau đó Ngạch Diệc Đô liền đến trước Nỗ Nhĩ Cáp Xích thỉnh tội. Nhìn thấy Ngạch Diệc Đô quyết tâm như vậy, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thở dài than:"Ngạch Diệc Đô cũng vì nước mà suy nghĩ cặn kẽ, thật sự là không người có thể thay thế hắn!"[19]. Vì những công lao ấy, Nỗ Nhĩ Cáp Xích gia phong Ngạch Diệc Đô làm Tả dực Tổng binh, hàm ["Nhất đẳng Đại thần"; 一等大臣], còn cho tới 3 chức Tá lĩnh truyền đời thay nhau quản hạt, phân biệt ở Tương Hoàng kỳChính Bạch kỳ.

Năm thứ 6 (1621), Ngạch Diệc Đô qua đời, thọ 60 tuổi, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đích thân dự lễ tang khóc 3 lần[20].

Năm Thiên Thông nguyên niên (1627), Hoàng Thái Cực truy phong Ngạch Diệc Đô làm Hoằng Nghị công (弘毅公), con trai thứ 16 là Át Tất Long về sau tập tước, tức là giữ tước hiệu truyền đời vĩnh viễn mà không bị giảm, hàm ["Nhất đẳng Công"; 一等公].

Năm Sùng Đức nguyên niên (1636), lại đem linh vị phụng hưởng Thái Miếu.

Năm Thuận Trị thứ 11 (1654), Thanh Thế Tổ sai người dựng bia, ghi công lao của Hoằng Nghị công, còn tự mình sáng tác thơ ca ngợi[21].